Nâng cao cảnh giác không để bị lừa đảo, mất tiền khi sử dụng Zalo, Facebook
Thứ Tư, 18/03/2020 14:20
Lượt xem: 1967
Ngày nay, bên cạnh những lợi ích của mạng xã hội như facebook, zalo... mang lại cho cuộc sống con người trong việc kết nối, chia sẻ thông tin thì tội phạm trên mạng xã hội cũng xuất hiện. Theo đó, nhiều hình thức lừa đảo, hành vi vi phạm pháp luật nảy sinh, số nạn nhân của tội phạm trên mạng xã hội gia tăng.
Một thủ đoạn thường thấy thời gian qua và nhiều kẻ xấu lợi dụng chính là cách giả danh người nước ngoài thông qua các tài khoản ảo trên mạng xã hội, từ đó dần tiếp cận và dụ dỗ mua hàng, làm từ thiện để chiếm đoạt tiền của người dùng Facebook và Zalo.
Một người bạn của tôi ở huyện Hoa Lư kể, vừa qua ông nhận được tin nhắn của một người có nội dung giới thiệu là linh mục sống ở Canađa hiện đang thực hiện chương trình hỗ trợ nhân đạo và đã chọn bạn để xử lý dự án với một khoản đóng góp sẽ được trao cho bạn. Điều này về cơ bản là vì lợi ích của những trẻ em kém đặc quyền, góa phụ và những người nghèo khổ khác trong cộng đồng. Khoản quyên góp sẽ được gửi trực tiếp đến bạn để bạn có thể phát cho những người nghèo trong cộng đồng nơi bạn đang sinh sống.
Bạn tôi thấy đây là việc làm nhân đạo nên nhắn tin lại “tôi sẵn sàng giúp bà”. Sau đó được trả lời rằng: Chúng tôi đang có một chương trình viện trợ nhân đạo để nâng cao cuộc sống của những người nghèo khó trên khắp thế giới, muốn bạn tham gia chương trình này; về cơ bản số tiền gửi về sẽ được bạn phân phát cho người nghèo khó trong khu vực đang sống.
Nội dung tin nhắn còn giới thiệu tổ chức của bà ta hiện có rất nhiều tiền để làm việc nhân đạo và nếu được đồng ý sẽ chuyển cho bạn tôi 1.500 đô la Mỹ thông qua dịch vụ chuyển phát miễn trừ ngoại giao đến bạn tôi và bạn tôi sẽ được hưởng 10% số tiền đó.
Sau đó, bà này lại nhắn tin tiếp vì tính chất công việc của tổ chức, không thể chuyển tiền bằng chuyển khoản vì chính sách ngân hàng khó khăn và nghiêm ngặt nên chỉ có thể sắp xếp bằng chuyển phát miễn trừ ngoại giao dưới dạng bưu kiện để bạn tôi nhận tiền. Sau tin nhắn đó, bà này yêu cầu bạn tôi gửi địa chỉ cho bà gồm: Tên đầy đủ, địa chỉ đầy đủ, số điện thoại, địa chỉ email số whatsapp, nghề nghiệp và thẻ nhận dạng… Thấy có vẻ không ổn nên bạn tôi đã không gửi yêu cầu cho bà ta và hỏi có thể liên lạc trực tiếp được không thì được trả lời là không. Sau đó là “mất hút”.
Ngoài ra, trên mạng xã hội hiện nay còn nhiều hình thức lừa đảo khác như hình thức gửi thư thông báo tặng kiện hàng lớn từ nước ngoài, là người quen nhờ chuyển tiền giúp đỡ khi đang gặp nạn…, vì thiếu hiểu biết, phần vì bị hấp dẫn bởi những món quà “khủng” mà đối tượng hứa hẹn nên không ít người bị sập bẫy, “nộp phí” để nhận tiền và hàng hóa từ nước ngoài chuyển về của một đối tượng quen qua facebook. Sau nhiều lần chuyển khoản mà vẫn chưa nhận được tiền, quà thì báo Công an nhưng số điện thoại cùng tài khoản của đối tượng trên mạng đã ngừng hoạt động.
Trước tình hình gia tăng các hình thức lừa đảo tinh vi qua mạng xã hội, vẫn còn nhiều người nhẹ dạ, cả tin, lơ là mất cảnh giác để rồi trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Trước thực trạng trên, người dùng mạng xã hội cần nâng cao mức độ bảo mật của mật khẩu, sử dụng chức năng thông báo về email hoặc số điện thoại khi có thiết bị lạ đăng nhập tài khoản, cảnh báo ngay với bạn bè và người thân trong trường hợp bị mất tài khoản nhằm tránh bị lừa đảo.
Bên cạnh đó, bất cứ giao dịch chuyển tiền nào cũng cần được thực hiện khi đã có xác nhận trực tiếp hoặc qua điện thoại với các đối tượng không quen biết trên mạng xã hội để tránh bị lừa đảo. Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu lừa đảo thì phải báo ngay với cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Theo baoninhbinh.org.vn