Tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả
Lượt xem: 2557
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu có tính khách quan của sự phát triển. Yêu cầu đổi mới phải theo hướng tinh gọn để giảm tầng nấc, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thuận lợi trong việc quy định thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan. Với tinh thần đó, quán triệt và triển khai các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động, đề án cụ thể, rõ lộ trình thực hiện và trách nhiệm của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đã triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung như: Thực hiện Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; đồng thời thực hiện nghiêm nguyên tắc thành lập phòng, lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2021 (Khối Đảng mỗi ban đều giảm 1 đến 3 đầu mối bên trong, từ 32 phòng, đơn vị trực thuộc xuống còn 25 phòng, đơn vị trực thuộc. Đối với khối chính quyền đã giảm 6 đầu mối cấp phòng thuộc cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, giảm 1 chi cục do sáp nhập); sắp xếp lại tổ chức bộ máy Ban Bảo vệ và CSSK cán bộ tỉnh; hợp nhất Đảng bộ Khối cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh; thí điểm mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Hoa Lư; thực hiện trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch UBMTTQ ở một số huyện, thành phố và đang đề xuất thực hiện ở cấp tỉnh; chủ trương trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; thực hiện việc sắp xếp người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, xóm, phố... Trong 3 năm qua, đã dừng việc tuyển dụng công chức, viên chức khối Đảng, đoàn thể. UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt Đề án tinh giản biên chế tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2021, theo đó mục tiêu số lượng tinh giản tối thiểu đến năm 2021 là 2.350 người, tương đương với 10% biên chế được giao năm 2015.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, toàn tỉnh đã thu gọn 27 đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập (từ 35 xuống còn 8 ban quản lý trực thuộc UBND cấp huyện) và giảm 16 đơn vị sự nghiệp công; thực hiện cắt giảm 52 biên chế công chức, 119 viên chức sự nghiệp, hợp đồng lao động theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế và cải cách hành chính còn chậm, hiệu quả chưa cao; có nơi, có lúc sắp xếp mới chỉ mang tính cơ học, chưa phát huy được hiệu quả hoạt động. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở một số đơn vị còn thấp; cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức còn nhiều bất cập, lĩnh vực cần thì thiếu, lĩnh vực cần ít thì thừa, nhất là cấp huyện và cơ sở. Chưa có nhiều cơ chế kiểm soát quyền lực của người có chức, có quyền hoặc có nhưng chưa đủ mạnh, thiếu chặt chẽ, đồng bộ.

Thời gian tới, để tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị của tỉnh Ninh Bình theo hướng tinh gọn, hiệu quả cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ, khoa học: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch, đề án thực hiện sát với thực tiễn, có tính khả thi, thông qua các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực; đồng thời phân công rõ trách nhiệm và thời gian thực hiện, tránh chung chung. Thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, kịp thời điều chỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách và những giải pháp cụ thể. 

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện phải quyết liệt, sâu sát, kiên trì, quy định rõ ràng trách nhiệm và cơ chế thực thi. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cả về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, nhất là cán bộ cấp cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đề cao trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu và phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, hướng về cơ sở, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật; chú trọng công tác tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để vận dụng, xử lý những khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện...

Theo baoninhbinh.org.vn

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH






Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1